Mặc dù vừa đầu tư nhiều thời gian, tâm sức để tham dự và giành giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp quốc gia tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp năm 2021 nhưng khi chúng tôi đến trường tìm gặp, cô Linh vẫn đang say sưa dạy học online cho học sinh (do các em đang tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-19) và tích cực bồi dưỡng học sinh chuẩn bị dự thi học sinh giỏi nghề cấp quốc gia. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cô Linh là sự nhẹ nhàng, nữ tính, trái ngược hẳn công việc cô gắn bó nhiều năm qua.
Cô Linh chia sẻ, không phải ngay từ ban đầu cô đã có tình yêu đối với ngành cơ khí mà sau khi hoàn thành chương trình THPT, cô Linh chỉ ngẫu nhiên đăng kí dự thi và theo học chuyên ngành Cơ khí, Khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Do đặc thù ngành học vất vả, khô khan, đều là các kỹ thuật và thông số nên lớp của cô Linh chỉ có 2 sinh viên nữ, còn lại đều là nam giới. Qua thực tế học tập, cô Linh dần “mặn mà” với ngành học mà nhiều người mặc định dành cho phái mạnh này; sự khô khan của ngành học dần hấp dẫn cô, sự vất vả đã kích thích ý chí kiên trì, nhẫn nại của cô.
Năm 2004, tốt nghiệp đại học, cô Linh về công tác tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc. Thời gian đầu, cô làm trợ giảng để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy của các đồng nghiệp đi trước. Khi bản thân thấy ổn về mọi mặt, cô Linh mới trực tiếp đứng lớp giảng dạy và đây là thời điểm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm lý, nhận thức khiến cô yêu thích, đam mê và dành hết tâm huyết cho công tác dạy nghề. Cô Linh tâm sự: “Khi chính thức đứng trên bục giảng và thấy hầu hết học sinh, trong đó, có nhiều em vượt 25 – 30 km để đến trường với hy vọng “học được cái nghề” để tạo dựng tương lai cho bản thân, tôi càng thấy trách nhiệm, vai trò, giá trị của người thầy, đó là phải dạy học sinh đúng, đủ, hiệu quả”.
Để thực hiện phương châm cũng là mục tiêu “đào tạo học sinh có nghề chứ không phải có bằng”, cô Linh chú trọng phương pháp dạy học thực tiễn. Ngoài hình thức dạy học chung cả lớp, cô tăng cường tổ chức học nhóm để học sinh hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho nhau và rèn kỹ năng làm việc nhóm – là kỹ năng rất cần thiết khi làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời, bố trí dạy cá biệt theo phương pháp 1 thầy – 1 trò nhằm giúp học sinh phát huy thế mạnh cũng như khắc phục hạn chế của bản thân. Quá trình dạy, cô Linh còn “miệng nói, tay làm”, dạy lý thuyết đến đâu sẽ dạy thực hành luôn đến đó; đặc biệt, khi dạy thực hành tại nhà xưởng, dù là máy cơ phải vận hành thủ công rất vất vả hay máy tự động, cô Linh vẫn tự mình thực hiện các thao tác, kỹ thuật một cách tỉ mỉ, chính xác để học sinh hiểu bài, nắm chắc kiến thức, kỹ thuật và luôn có niềm tin tuyệt đối vào giáo viên.
Đối với học sinh học, sinh viên hạn chế về tư duy toán học, cô Linh hướng dẫn các em nhiều lần hơn, làm đi làm lại các thao tác để các em tính toán chính xác các thông số và thuần thục kỹ thuật. Cô cũng thường xuyên liên hệ với những học trò đang làm việc tại các doanh nghiệp để cập nhật các sản phẩm mới, kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào dạy học sinh. Bên cạnh đó, tăng cường rèn cho học sinh, sinh viên ý thức, tác phong công nghiệp, các kỹ năng mềm để các em thuận lợi tìm việc làm sau khi ra trường. Ngoài ra, khi được nhà trường giao các đơn hàng gia công các chi tiết máy của doanh nghiệp, cô Linh cho phép học sinh, sinh viên có kỹ thuật tốt tham gia làm để rèn luyện tay nghề… Nhờ đó, trong quá trình học, tỷ lệ học sinh, sinh viên của cô Linh được nhận học bổng của nhà trường luôn đạt cao; kết thúc khóa học, hầu hết học sinh, sinh viên được đánh giá đúng năng lực, tự tin ứng tuyển làm việc tại các doanh nghiệp có tiếng, đặc biệt, 100% học sinh, sinh viên ra trường đều có việc làm. Hơn thế, nhiều học sinh sau thời gian làm việc tại doanh nghiệp đã chứng minh được năng lực, tay nghề cao nên được đề bạt đảm nhận vị trí quản lý.
Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, cô Linh còn tích cực nghiên cứu khoa học, có nhiều sáng kiến được nhà trường đánh giá cao và được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy như: Sáng kiến “Nâng cao hiệu quả dạy học nghề cơ khí”, sáng kiến “Các giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề cắt gọt kim loại tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc”, sáng kiến làm gá (giá đỡ) sản phẩm, chế tạo mô hình máy tiện, máy phay để dạy học trực quan cho học sinh…
Cô Linh cho biết: “Hiện tại, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tôi chú trọng cập nhật công nghệ thông tin, kỹ thuật vận hành hệ thống máy móc tự động hóa và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp để có định hướng, phương pháp giảng dạy phù hợp, hiệu quả, từ đó, góp phần cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho xã hội”.