“Người truyền sử” ở ngôi trường mang tên Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn

00:00 21/12/2021


Năm 1995, tốt nghiệp khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô giáo Tuyển hăm hở qua bến phà sông Lô - Đức Bác, đến dạy học ở ngôi trường của vùng đá dựng - Lập Thạch. Mảnh đất trung du chỉ cách với thành phố Việt Trì quê cô bởi dòng sông Lô nhưng cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Giờ lên lớp đầu tiên, cô khá ngỡ ngàng, ái ngại khi thấy các em học sinh quê nghèo gầy guộc, quần áo, dép guốc đơn sơ, sách vở, đồ dùng học tập thiếu thốn. Cô tự nhủ, không được nản lòng mà phải quan tâm, thương yêu các em để không phụ ánh mắt học sinh nhìn cô đầy háo hức, tin tưởng.

Thời điểm khi cô mới về trường THPT Trần Nguyên Hãn, (lúc đó còn là trường cấp II, III Trần Nguyên Hãn), cơ sở vật chất của nhà trường vô cùng khó khăn. Trường phải tổ chức chia ra lớp học ca sáng, lớp học ca chiều mới đủ phòng học. Giáo viên nhà trường theo đó cũng phải dạy học hai ca. Từ khi về trường cho đến năm thứ 5, cô Tuyển là giáo viên dạy Lịch sử duy nhất của nhà trường. Có những ngày, buổi sáng dạy đến tiết 5, chiều lại dạy từ tiết 1, tổng số giờ dạy trong tuần nhiều vượt mức quy định. Nhưng với ý thức trách nhiệm của một người giáo viên nhất là với tình thương yêu học sinh, cô Tuyển đã nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Cho đến nay, đã hai mươi sáu năm cô Tuyển gắn bó với ngôi trường mang tên Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Quan tâm, chăm lo cho học sinh bằng tình cảm yêu thương chân thành nên giữa cô Tuyển và học sinh không hề có khoảng cách giữa học trò nông thôn và cô giáo người thành phố. Các em học sinh thân thiết với cô như người nhà, luôn tìm đến cô chia sẻ mọi nỗi vui buồn. Và cũng chẳng biết từ khi nào cô Tuyển cảm thấy ngôi trường cùng các em học sinh là một phần tất yếu trong cuộc sống của mình. Như người mẹ, cô nhẹ nhàng chỉ bảo, uốn nắn học sinh từ lời ăn tiếng nói, cách cư xử, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Không nặng lời trách phạt khi có em nào đó chưa kịp thuộc bài, cô kiên trì giảng giải bù đắp phần kiến thức học sinh chưa nắm vững, chưa hiểu rõ. Nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, thấu hiểu hoàn cảnh của học sinh, cô Tuyển luôn gần gũi, chia sẻ động viên các em vượt qua khó khăn, bao dung độ lượng khi các em mắc lỗi. Cô còn chủ động xây dựng, gắn kết mối quan hệ giữa giáo viên trẻ mới vào nghề với các em học sinh. Qua đó góp phần vun đắp lan tỏa tình cảm thầy – trò, tạo môi trường giáo dục tốt để học sinh phát huy năng lực, phẩm chất của bản thân.

 Luôn chú trọng đến việc giáo dục toàn diện cho học sinh, cô cũng không ngừng trau dồi chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp, đầu tư cho bài giảng để kích thích việc học của học sinh, để bài học Lịch sử không khô khan và có thể truyền cho học sinh niềm cảm hứng. Cô Tuyển chia sẻ:  “Tôi luôn dành thời gian thích hợp cho quá trình soạn bài, nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài tập, sách nghiên cứu; tham khảo thêm nhiều nguồn tài liệu, tri thức khác nhau. Khi soạn giáo án, tôi không chỉ chú trọng đến kiến thức mà còn đầu tư về phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, sáng tạo cách dạy phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm của từng bài học. Tôi luôn nỗ lực hết mình để trang bị cho các em hành trang về tri thức, kĩ năng, nhân cách, giúp các em tự tin, vững vàng bước vào cuộc sống”.

Trong quá trình công tác, cô giáo Lưu Thị Tuyển đã đúc rút và chia sẻ nhiều sáng kiến kinh nghiệm quý báu với đồng nghiệp. Sáng kiến “Kết hợp lịch sử địa phương Vĩnh Phúc vào giảng dạy lịch sử Việt Nam lớp 12 nhằm nâng cao hiệu quả bài học” là một ví dụ. Là giáo viên dạy Lịch sử, cô hiểu rằng, những kiến thức lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc từ cổ đến kim đều có tác động không chỉ đến trí tuệ mà cả trái tim học sinh. Những con người thực, việc thực trong quá khứ sẽ hình thành cho học sinh những tư tưởng tình cảm đúng đắn, mà những tư tưởng tình cảm này là hành trang tối cần thiết cho thế hệ trẻ trong điều kiện mở cửa, hội nhập với thế giới. Trong đó, lịch sử địa phương chứng minh cho sự phát triển hợp quy luật của địa phương trong sự phát triển chung của đất nước. Nhận thức được vị trí quan trọng của chương trình lịch sử địa phương, cô Tuyển đã tìm hiểu, áp dụng vào bài giảng và nhận thấy học sinh học tập hào hứng, hiệu quả bài học cao hơn hẳn.

Với nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân, trong quá trình công tác, cô Lưu Thị Tuyển đã có 9 năm học liên tục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua  cơ sở và 1 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đội tuyển học sinh giỏi do cô Tuyển tham gia bồi dưỡng các năm đạt được nhiều giải cấp tỉnh. Nhằm đưa học sinh của nhà trường tiếp cận với các cuộc thi mới, bắt kịp xu hướng giáo dục hiện thời, cô Tuyển động viên học sinh tham gia các sân chơi trí tuệ. Ngay từ năm học 2014 -2015, cô đã hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học – kĩ thuật cấp tỉnh, giành giải Khuyến khích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội hành vi, về vấn đề thực hiện an toàn giao thông. Cũng năm học 2014-2015, nhà xuất bản giáo dục kết hợp với Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức  cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam”. Là tổ trưởng chuyên môn đồng thời là giáo viên Lịch sử, cô Tuyển đã trực tiếp hướng dẫn động viên các cô giáo và học sinh tham gia, kết quả đạt 1 giải Nhất, 1 giải Nhì cấp tỉnh và 1 giải Nhất quốc gia.